Toạ đàm 'Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành'

(PLO)-  Toạ đàm "Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành" là nơi để các nhà quản lý, chuyên gia trình bày quan điểm, kiến nghị, đề xuất giải pháp để quản lý hiệu quả thuốc lá thế hệ mới
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

- Hôm nay, 18-4, Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức toạ đàm "Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành".

- Buổi tọa đàm có sự tham gia của ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương; Ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng cục nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương; ông Vũ Hoài Linh, Đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính); ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vicopro); bà Phạm Khánh Phong Lan, ĐBQH, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM; ông Đặng Thái Thiện, Phó trưởng phòng giám sát quản lý Cục Hải quan TP.HCM... Bên cạnh đó, buổi tọa đàm còn có sự tham gia của một số đại biểu Quốc hội, chuyên gia.

- Toạ đàm là nơi để các nhà quản lý, chuyên gia trình bày quan điểm, kiến nghị, đề xuất giải pháp để quản lý hiệu quả thuốc lá thế hệ mới (TLTHM).

Phát biểu khai mạc toạ đàm, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM cho biết: Báo Pháp Luật TP.HCM trân trọng tổ chức buổi toạ đàm “Cần sớm có hướng dẫn quản lý thuốc lá thế hệ mới” trong bối cảnh các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam, bày bán trên MXH lẫn các cửa hàng, dù đến nay tất cả các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam vẫn chưa được phép nhập khẩu và lưu hành.

"Chúng tôi rất vinh dự được đón tiếp đại diện cơ quan quản lý về thuốc lá thế hệ mới, các chuyên gia nghiên cứu luật, đến tham dự và cùng trao đổi tại toạ đàm này. Như quý vị và các bạn đã biết, ở mọi quốc gia, pháp luật ra đời là do nhu cầu xã hội và thực hiện vai trò quản lý của nhà nước, nhằm thúc đẩy sự phát triển và điều hòa các quan hệ xã hội. Thế nhưng, hiện nay ngành công nghiệp thuốc lá thế hệ mới vẫn đang "mỏi mòn" chờ luật quản lý đối với các sản phẩm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử kể từ chỉ đạo ban đầu của Chính phủ từ năm 2017" - ông Hiển nhận định.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM phát biểu khai mạc toạ đàm. Ảnh HOÀNG GIANG

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM phát biểu khai mạc toạ đàm. Ảnh HOÀNG GIANG

Được Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ Công thương hiện đã đề xuất Nghị định mới, thay thế Nghị định 67/2013 để thí điểm quản lý các sản phẩm thuốc lá làm nóng, thuộc nhóm thuốc lá thế hệ mới. Tuy nhiên, do còn có một số quan ngại về tiềm năng giảm tác hại hoặc tác động ngoại ý, dù chưa có sở cứ khoa học hay thống kê rõ ràng về vấn đề này, nên suốt 5 năm qua các sản phẩm này vẫn tồn tại “ngoài vòng pháp luật”. Điều đáng nói, việc buông lỏng quản lý đã tạo cơ hội cho thị trường chợ đen phát triển, thậm chí ma túy trá hình “giấu mình” dưới vỏ bọc thuốc lá điện tử (dạng hệ thống mở) để tiếp cận sai đối tượng (giới trẻ hiếu kỳ) và dẫn dắt người dùng sử dụng sai mục đích.

Thuốc lá thế hệ mới nhập lậu là một vấn nạn gây đau đầu, trong khi ngành quản lý thị trường thì không thể xử phạt mạnh tay các hành vi tội phạm này do chưa được áp dụng Luật Phòng, Chống tác hại thuốc lá hiện hành.

Theo ông Hiển, buổi toạ đàm sẽ là diễn đàn để chúng ta nhìn từ thực trạng và trình bày quan điểm, kiến nghị đề xuất giải pháp để thúc đẩy việc quản lý thuốc lá thế hệ mới nhanh chóng được hoàn thiện. Diễn đàn cũng là nơi để chúng ta bàn thêm về việc đã đến lúc cần sửa đổi bổ sung nghị định 67/2013 để tạo điều kiện nhânh chóng cho việc luật hóa thuốc lá thế hệ mới, hướng đến việc tìm ra giải pháp giảm thiểu tác hại thay thế cho thuốc lá truyền thống.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM

Chúng tôi xin được gửi lời cảm ơn đến các lãnh đạo ban ngành, chuyên gia, đã nhận lời tham gia đóng góp, xây dựng ý kiến trong buổi toạ đàm hôm nay. Xin gởi lời cảm ơn các đơn vị đồng hành, cảm ơn qúy báo đài Trung ương và TP.HCM đã đồng hành phản ánh thông tin; xin gửi lời cảm ơn tới các quý độc giả đã luôn ủng hộ đội ngũ những người làm Báo Pháp Luật TP" - ông Hiển nói.

Có hay không rào cản pháp lý

BTV Thu Hà đặt câu hỏi đối với ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng cục nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương. Thưa ông, hiện nay, nhóm TLTHM đang được xếp vào các loại thuốc lá lậu, chưa được cấp phép kinh doanh. Mặc dù vậy, tại Việt Nam, TLTHM vẫn dược bán khá nhiều trên các nền tảng mạng xã hội và các cửa hàng. Vậy ông cho biết tình hình buôn lậu TLTHM trong thời gian gần đây diễn ra như thế nào?

Ông Trần Văn Dũng: Trong quá trình thực tế, kiểm tra, kiểm soát, lợi nhuận rất cao, các đối tượng kinh doanh bị xử phạt nhiều lần vẫn tiếp tục kinh doanh.

Thị hiếu của người tiêu dùng về việc sử dụng mặt hàng thuốc lá thế hệ mới ở nhiều địa phương ngày càng tăng. Do đó, mặt hàng này vẫn được gian thương quảng cáo, bày bán, chứa trữ tại khu vực sinh hoạt, nơi ở của các cửa hàng trên địa bàn các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành phố khác… khi khách hàng đến mua hàng hoặc hỏi về mặt hàng cụ thể thì các đối tượng kinh doanh mới mang hàng ra để giao dịch với khách hàng. Điều này gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc xác định rõ hình thức kiểm tra hay khám nơi cất giấu tang vật.

Ông Trần Văn Dũng phát biểu tại toạ đàm

Ông Trần Văn Dũng phát biểu tại toạ đàm

Việc bán thông qua các trang mạng xã hội, website thương mại điện tử dẫn đến khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc tìm hiểu, thu thập thông tin, kiểm tra, xử lý do trong nhiều trường hợp không xác định được không gian cụ thể về địa điểm bán hàng, địa điểm chứa trữ hàng hoá của các đối tượng kinh doanh.

Theo quy định hiện nay, những loại được gọi là thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng), Shisha chưa được xếp vào mặt hàng thuốc lá để quản lý vì theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 67/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 106/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2013: “Sản phẩm thuốc lá” là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá và được chế biến dưới dạng thuốc điếu, xì gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu và các dạng sản phẩm khác đùng để hút, nhai, ngửi.

Trong quá trình xử lý, lực lượng Quản lý thị trường áp dụng quy định tại Điều 15 Nghị định số số 98/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022 quy định về “Hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu”.

Những sản phẩm này do có những yếu tố gây hại cho sức khoẻ con người do đó được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu huỷ hàng hoá. Trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu của hàng hoá, cơ quan chức năng sẽ áp dụng hình thức tịch thu tang vật vi phạm để xử lý tiêu huỷ như những hàng hoá thông thường khác.

Lúng túng quản lý thuốc lá thế hệ mới

BTV Thu Hà đặt câu hỏi đối với ông Vũ Hoài Linh, đại diện Cục điều tra chống buôn lậu Tổng Cục Hải quan: Thưa ông, mỗi năm đơn vị ông phải xử lý các vụ buôn lậu TLTHM ra sao và tới nay việc quản lý TLTHM hiện nay có gì khó nhất?

Ông Vũ Hoài Linh: Trên thế giới, các nước phân loại quản lý TLTHM dựa theo mức độ tác hại của từng sản phẩm, tuy nhiên tại Việt Nam, chưa có khung pháp lý rõ ràng nào được ban hành để quản lý TLTHM. Theo hướng dẫn của Bộ Công Thương về việc tạm dừng nhập khẩu thuốc lá thế hệ mới, ngành hải quan rất khó khăn, lúng túng để giải quyết những vụ việc như vậy.

Ông Vũ Hoài Linh, đại diện Cục điều tra chống buôn lậu Tổng Cục Hải quan

Ông Vũ Hoài Linh, đại diện Cục điều tra chống buôn lậu Tổng Cục Hải quan

BTV Thu Hà: Thưa ông Đặng Thái Thiện, Đại diện Cục Hải quan TP.HCM, tại TP tình hình buôn lậu TLTHM cũng như công tác quản lý có gặp nhiều khó khăn không?

Ông Đặng Thái Thiện: Tôi nghĩ về mặt pháp lý cần có một nghị định làm cơ sở pháp lý để thực thi điều này. Đã có nhiều doanh nghiệp tới hải quan để xem xét thủ tục nhập khẩu thuốc lá thế hệ mới, tuy nhiên về quy định thì cũng tạm chưa nhập khẩu. Có thể thấy đây là cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp nhưng cũng cần cân nhắc với tác hại của xã hội, để từ đó có luật pháp rõ ràng.

Ông Đặng Thái Thiện, Đại diện Cục Hải quan TP.HCM

Ông Đặng Thái Thiện, Đại diện Cục Hải quan TP.HCM

BTV Thu Hà: Thưa ông Đặng Thái Thiện, thực tiễn hiện nay việc buôn lậu TLTHM đang gây thất thu thế nào đối với ngân sách nhà nước về góc độ thuế lẫn việc xử lý hàng hoá? Và để ngăn chặn tình trạng này, ông có kiến nghị gì?

Ông Đặng Thái Thiện: Dù có nhiều khó khăn, tuy nhiên năm 2022 trên thế giới đã có mã số HS riêng cho mặt hàng này, vì số lượng và thị trường tiêu dùng lớn. Cụ thể, Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) đã chính thức phân loại thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá, quản lý theo mã HS.2403.99 (sản phẩm thuốc lá khác)

Toàn cảnh toạ đàm "Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành"

Toàn cảnh toạ đàm "Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành"

Năm 2019, Cục Hải quan xin ý kiến của Tổng cục Hải quan và Bộ Công thương chưa được nhập khẩu. Cục thực hiện theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan tại công văn số 3352/2022 về chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới.

Cụ thể, trong công văn nêu rõ hướng dẫn của Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu): Hiện nay, mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng và tương tự… chưa được phân loại hàng hóa, chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật và quy chuẩn kỹ thuật để nhập khẩu vào Việt Nam. Bộ Công Thương đang nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quy định quản lý các mặt hàng nêu trên. Do đó, mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng và tương tự chưa được nhập khẩu vào Việt Nam.

Cần hành lang pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng

BTV Thu Hà: Thưa ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, với các sản phẩm TLTHM nhập lậu đang gây ra những hệ luỵ nào cho xã hội và cần có kiểm soát bằng hành lang pháp lý hay không nhằm bảo vệ người tiêu dùng?

Ông Vũ Văn Trung:

TLTHM đã xuất hiện từ rất lâu rồi, thực tế như thế nhưng lại chưa có văn bản pháp lý nào quản lý mặt hàng này. Thực tế ở các quốc gia trung bình khá đều đã có quy định pháp luật chặt chẽ để quản lý và bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.

Thực tế không thể chờ quy định pháp lý, đề nghị các Bộ ngành liên quan phải nhìn thẳng, càng sớm càng tốt để ban hành quy định quản lý TLTHM.

Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

BTV Thu Hà: Câu hỏi này xin được dành cho bà Phạm Khánh Phong Lan, ĐBQH, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, thưa bà, về vấn đề quyền tiếp cận hợp pháp của người hút thuốc với TLTHM, bà có ý kiến gì? Bà có cho rằng cần bảo vệ quyền lợi người hút thuốc bằng cách cung cấp hợp pháp cho họ những sản phẩm giảm tác hại đã dược khoa học kiểm chứng, công nhận?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Có thể nói tất cả chúng ta đều thống nhất về quan điểm, đã là thuốc lá thì thuốc lá nào cũng có tác hại.

Theo tôi trong cái xấu thì chúng ta chọn cái ít xấu nhất. Điều này có nghĩa là chúng ta không thể bắt người tiêu dùng bỏ thuốc lá được. Điều này là không thể. Thay vào đó chúng ta hoàn toàn có thể giải thích cho người tiêu dùng hiểu được tác hại của thuốc lá, để từ đó họ có sự lựa chọn riêng cho mình.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, ĐBQH, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM

Bà Phạm Khánh Phong Lan, ĐBQH, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM

Ở một khóa cạnh nào đó, theo tôi thuốc lá thế hệ mới là một giải pháp để giảm thiểu tác hại của thuốc lá. Và người tiêu dùng hoàn toàn có quyền tiếp cận với loại thuốc lá thế hệ mới này. Bởi trên thực tế, chúng ta không thể định hướng được người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm nào, hút lúc nào và hút ra sao.

Cái chúng ta có thể bảo vệ và can thiệp được với người tiêu dùng là thông qua việc gián tiếp bảo vệ nguồn hàng chính thức, không nhập lậu, không hàng giả, không hàng nhái. Chính vì thế, dù là sản phẩm thuốc lá nào, theo tôi cũng cần được kiểm soát và có luật quản lý cụ thể, hài hòa giữa quyền lợi người tiêu dùng và sản phẩm.

Quản lý là điều kiện để sớm ngăn chặn ách tắc

Thưa quý vị, như đã nói TLTHM hiện có mặt ở rất nhiều nước trên thế giới. Theo WHO, chỉ tính riêng TLLN thì sản phẩm này đã được chính phủ 184/193 quốc gia thành viên của WHO cho phép thương mại hóa như là sản phẩm thay thế giảm tác hại, trong đó có các nước tiên tiến như Mỹ, Canada, Anh, Đức, Nhật, Hàn Quốc…Tại Việt Nam, đến nay dù việc đề xuất quản lý TLTHM, trong đó có TLĐT và TLLN đã diễn ra từ 2017, nhưng tới nay những ý kiến đề xuất ấy vẫn dừng ở bước đón nhận nhiều ý kiến, đóng góp.

Vâng, về vấn đề trên chúng tôi xin được lắng nghe quan điểm và ý kiến từ ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục công nghiệp, Bộ Công thương. Vì sao tới nay việc đề xuất quản lý TLTHM vẫn chưa được triển khai vào thực tế, thưa ông?

Ông Ngô Khải Hoàn: Trước hết chúng tôi cám ơn Báo Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức hội thảo này. Đây là điều cần thiết để chúng ta nhìn rõ hiện trạng lưu hành, kinh doanh của thuốc lá thế hệ mới trên thị trường hiện nay. Đây là dịp để chúng ta làm rõ những khó khăn vướng mắc trong việc xây dựng, ban hành hành chính sách quản lý TLTHM.

Như chúng ta đã biết TLTHM được sử dụng để phân biệt với thuốc lá truyền thống, với hai dòng phổ biến nhất là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.

Các sản phảm thuốc lá thế hệ mới ra đời hơn 10 năm và xuất hiện nhiều nước trên thế giới như Nhật, Hàn, Nga… và một số nước trong khối ASEAN. Các nước này có cơ chế quản lý thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng khác nhau, nhưng phần lớn đều có điểm chung là rất nghiêm ngặt, theo luật hiện hành của mỗi nước.

Chúng tôi cho rằng chính sách quản lý và kinh doanh TLTHM của các nước tiến bộ như Hoa Kỳ, New Zealand… là cơ sở để chúng ta có thể tham khảo trong quá trình xây dựng chính sách.

Ông Ngô Khải Hoàn cho biết, để hoàn thiện chính sách đối với các loai hình TLTHM, Bộ Công thương đã tổng hợp đầy đủ ý kiến các bên để có đề xuất TLTHM vào quản lý dưới hình thức quy định trong nghị định.
Ông Ngô Khải Hoàn cho biết, để hoàn thiện chính sách đối với các loai hình TLTHM, Bộ Công thương đã tổng hợp đầy đủ ý kiến các bên để có đề xuất TLTHM vào quản lý dưới hình thức quy định trong nghị định.

BTV Thu Hà:Là đơn vị được Chính phủ giao chủ trì dự thảo quản lý TLTHM, vậy xin ông Ngô Khải Hoàn cho biết đến nay tiến độ xây dựng những chính sách đã đến đâu và đâu là vướng mắc lớn nhất?

Ông Ngô Khải Hoàn: Hiện nay ở Việt Nam, các sản phẩm TLTHM chưa có chính sách quản lý, chưa được phép lưu hành nhưng lại được bán ở thị trường chợ đen với nhiều hình thức trên mạng, cửa hàng truyền thống. Những sản phẩm này hầu hết được nhập vào nước ta qua đường xách tay, nhập lậu… không được quản lý về chất lượng, nguồn gốc. Dù là chưa được phép thương mại hóa nhưng việc tiếp cận sản phẩm này lại được tiếp cận dễ dàng trên thị trường, do chưa có biện pháp quản lý và chế tài, nên toàn bộ các hoạt động kinh doanh, quảng cáo đều là tự phát, vi phạm quy định pháp luật.

Hệ lụy gây ra là: Nhà nước không thu được thuế, người dân muốn sử dụng TLTHM thì lại phải tiếp cận sản phẩm không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Chính vì thế, trong thời gian qua chúng tôi nhận thức rõ việc cần xây dựng chính sách quản lý đối với TLTHM. Từ 2017, theo nghị định 106 về kinh doanh thuốc lá, chúng tôi đã sử đổi một số điều của NĐ67. Bộ Công thương từ 2018-2019 chúng tôi đã hoàn thiện đề tài về quản lý TLTHM, và hoàn thiện chính sách quản lý đối với loại hình này bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.

BTV Thu Hà: Vẫn xin được hỏi ông Ngô Khải Hoàn, được biết Bộ Công Thương là đơn vị không thể thiếu trong phái đoàn tham gia vào các kỳ COP. Với vai trò là cơ quan chủ quản của ngành, vậy theo ông đánh giá liệu có thể sớm thống nhất quan điểm về kiểm soát TLTHM để trình Chính phủ trước kỳ họp COP10 diễn ra vào tháng 11 này hay không? Bộ Công Thương dự kiến sẽ đề cập đến các vấn đề nào Hội nghị COP10 lần này?

Ông Ngô Khải Hoàn: Bộ đã tổng hợp và báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ về đề xuất xây dựng thí điểm đối với chính sách quản lý TLTHM trong 2020 và 2021. Trong quá trình xây dựng TLTHM thì chúng tôi đã lấy ý kiến từ các bộ ngành, hiệp hội và doanh nghiệp đều đồng ý và thống nhất là nên cần một hành lang pháp lý đối với TLTHM.

Và Bộ tiếp tục được giao phối hợp với Bộ Y tế để thống nhất việc quản lý TMTHM, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cũng tăng cường phòng chống việc buôn lậu.

Để hoàn thiện chính sách đối với các loai hình TLTHM thì chúng tôi đã tổng hợp đầy đủ ý kiến các bên để có đề xuất TLTHM vào quản lý dưới hình thức quy định trong nghị định. Dự kiến quý 2-2023 chúng tôi trình chính phủ.

Về Tiến độ xây dựng: Tháng 10-2022 các cơ quan liên quan đã có cuộc làm việc chính thức để hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị đinh để thay thế Nghị định 67. Trong đó có đề xuất chính sách quản lý TLTHM.

Đối với quan điểm của Bộ Công Thương, chúng tôi thì căn cứ vào ý kiến của Bộ Tư pháp cần đánh giá sự tương thích của TLTHM với định nghĩa của thuốc lá hiện nay, nếu có sản phẩm TLTHM nào thuộc phạm trù thuốc lá thì đề xuất đưa định nghĩa TLTHM vào Nghị định 67.

Theo đó Bộ đã nghiên cứu về sự tương thích này. Trong khoản 1 điều 2 của Luật bảo vệ phòng chống tác hại thuốc lá, và các tài liệu của thế giới, thì Bộ đã đề xuất đưa vào trong dự thảo nghị định về định nghĩa của các sản phẩm TLTHM. Các sản phẩm này đều đáp ứng được định nghĩa và thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định

Mặc dù Bộ Công thương vẫn còn một số vướng mắc với Bộ Y tế về một số điều nhưng chúng tôi đang hướng tới sự đồng thuận về việc quản lý TLTHM.

Đã đủ cơ sở pháp lý để quản lý TLTHM

BTV Thu Hà: Thưa quý vị, nối tiếp chương trình và đi tìm câu trả lời về vấn đề vì sao TLTHM vẫn chưa có cơ chế quản lý dưới luật, dù đã có nhiều đề xuất, nghiên cứu đánh giá về việc quản lý loại sản phẩm này. Chúng tôi xin được trò chuyện với Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM. Thưa luật sư việc kiểm soát TLTHM hiện đang là vấn đề còn có quan điểm khác nhau giữa các bộ ngành liên quan, theo ông nguyên nhân của việc này là do đâu?

LS Nguyễn Văn Hậu: Vấn đề nóng hiện nay là công tác quản lý TLTHM đang bị buông lỏng, dẫn đến nhiều kẻ hỡ cho thị trường chợ đen phát triển, các sản phẩm giả, kém chất lượng lọt vào Việt Nam. Đồng thời, người hút TLTHM vẫn chưa nhận thức đầy đủ và chính xác về cách dùng, chưa có thông tin pháp lý rõ ràng để tham chiếu nên dễ sử dụng sai, dẫn đến hậu quả khó lường. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng TLTHM.

Theo quan điểm của tôi, cần sửa Nghị định 67 để quản lý TLTHM, cần tăng chế tài xử phạt người hút thuốc lá nói chung hay TLTHM nói riêng nêu vi phạm hút không đúng nơi quy định.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM

Các giải pháp giảm tác hại thay thế đã dần được phổ biến rộng rãi và được chấp nhận bởi các quốc gia phát triển trên toàn cầu. Ví dụ: Ở Nga 2017 đã ban hành luật để quản lý thuốc lá làm nóng, sau đó ban hành bổ sung luật quản lý thuốc lá điện tử vào năm 2018. Năm 2021, Trung Quốc – thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới – tiếp nối các quốc gia Mỹ, Anh, Nhật Bản mạnh dạn áp dụng “Luật độc quyền ngành thuốc lá” nhằm quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Chính sách của các quốc gia trên cho thấy tính cấp thiết của việc chấm dứt tình trạng buông lỏng quản lý mặt hàng này. Việt Nam cũng nên học hỏi kinh nghiệm từ các nước này.

BTV Thu Hà: Đối với ngân sách nhà nước, việc chưa có chính sách để quản lý TLTHM dẫn tới thất thu thuế, thất thu ngân sách do chưa xác định được loại hình sản phẩm để quản lý và áp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Trong khi đó, TLTHM là mặt hàng có giá trị cao, tình trạng nhập lậu, buôn bán trên mạng vẫn tràn lan.

Vậy theo Vũ Hoài Linh (đại diện Cục điều tra chống buôn lậu Tổng Cục Hải quan), nên chăng đưa TLTHM vào diện phải chịu thuế như các phẩm thuốc lá điếu truyền thống vốn đang ở mức cao (mức thuế nhập khẩu từ 100-135%, thuế tiêu thụ đặc biệt 75% và thuế giá trị gia tăng 10%) đi kèm với đó là kiểm soát tiêu chuẩn an toàn, nguồn gốc xuất xứ?

Ông Vũ Hoài Linh: Việt nam tiêu thụ thuốc lá lớn thứ 15 trên thế giới, một năm tiêu thụ 49 ngàn tỉ trong 1% GDP, trong đó tỉ lệ chuyển từ thuốc truyền thống sang thuốc lá thế hệ mới rất nhanh.

Theo con số thống kê của Viện Chiến lược Kinh tế từ 2015-2020, trong 5 năm, tỉ lệ chuyển đổi này đã tăng 36 lần. Đến nay có 184/193 quốc gia thành viên WHO đã đưa thuốc lá thuốc lá làm nóng (một sản phẩm thuốc lá thế hệ mới) vào quản lý dưới luật.

BTV Thu Hà: Thưa ông Trần Văn Dũng, tại Nhật Bản họ phân loại rõ từng loại TLTHM, tức phân định giữa thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử, áp dụng hướng tiếp cận kết hợp. Hoặc tại Trung Quốc, thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng được quản lý theo pháp luật, đồng thời chính phủ nước này cũng đưa ra các chính sách kiểm soát chặt độ tuổi của người mua, chưa cho phép giao dịch thuốc là điện tử trên các sàn thương mại điện tử...Vậy ở VN có nên áp dụng theo cách làm của một số nước hay không thưa ông?

Ông Trần Văn Dũng: Theo tôi một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc… đã có phân loại rõ sản phẩm TLTHM, để từ đó đưa ra chính sách quản lý được chặt chẽ.

Ông Trần Văn Dũng cho rằng có thể quản lý ngay thuốc lá làm nóng dưới luật hiện hành.

Ông Trần Văn Dũng cho rằng có thể quản lý ngay thuốc lá làm nóng dưới luật hiện hành.

Tại Việt Nam hiện chúng ta đã có thể quản lý ngay thuốc lá làm nóng dưới luật hiện hành, còn thuốc lá điện tử thì cần được xem xét thêm. Thực tế luật hiện hành về thuốc lá của Việt Nam đã rất đầy đủ, chính vì thế việc xem xét thuốc lá thế hệ mới quản lý dưới luật là điều nên làm, song hành với việc học hỏi áp dụng luật quản lý của các nước đi trước.

BTV Thu Hà: Vâng, như vậy chúng ta thống nhất một quan điểm là không nên cấm TLTHM mà nên quản lý để có đầu mối thống nhất. Vậy thưa bà Phạm Khánh Phong Lan, dưới góc độ y tế và quản lý, theo bà làm sao để vẫn có thể cung cấp sản phẩm chính danh cho người hút thuốc đồng thời giảm tối đa các hệ lụy không mong muốn?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Để người tiêu dùng có thể tiếp cận những sản chính danh chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác chống nhập lậu, bắt hàng lậu, phải triệt để tịch thu, tiêu hủy.

Để giảm hệ lụy, chúng ta hướng đến cái mong muốn nhất là làm sao để mọi người không sử dụng thuốc lá nữa, nhưng điều này không thể thực hiện được ngay mà tùy vào nhận thức mỗi người, do đó chúng ta cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục.

BTV Thu Hà: Thưa bà Phạm Khánh Phong Lan, tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá nên chịu sự điều chỉnh của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC). WHO cũng khuyến cáo, mỗi quốc gia cần cân nhắc tới thực trạng tiêu thụ TLTHM, nếu việc ngăn cản sự hiện diện các sản phẩm này là không khả thi thì cần phải đưa những sản phẩm này vào quản lý và chịu sự kiểm soát của luật phòng chống thuốc lá của nước sở tại. Chúng tôi xin được lắng nghe ý kiến từ bà về vấn đề này.

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Tôi có phần lấn cấn là liệu chúng ta có nhìn Luật khác nhau hay không, từ ý kiến của anh Hoàn thì thật ra bản chất của vấn đề là TLTHM chúng ta vẫn gọi là thuốc lá. Định nghĩa "thuốc lá" trong luật phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012 là sản phẩm có sử dụng nguyên liệu là thuốc lá một phần hoặc toàn bộ, sau đó có chốt một câu "và các dạng khác".

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng về căn cứ pháp lý chúng ta đã đặt ra vấn đề là phải quản lý loại thuốc lá này dù là truyền thống hay thế hệ mới.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng về căn cứ pháp lý chúng ta đã đặt ra vấn đề là phải quản lý loại thuốc lá này dù là truyền thống hay thế hệ mới.

Chúng tôi là những người đã đóng góp ý kiến xây dựng luật phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012. Chúng tôi đã hy vọng "các dạng khác" trong tương lai phát sinh ra những loại nào, vì sau 10 năm phát triển rất nhiều hình thức thuốc lá thế hệ mới.

Cho nên, có thể nói, về căn cứ pháp lý chúng ta đã đặt ra vấn đề là phải quản lý loại thuốc lá này dù là truyền thống hay thế hệ mới. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta phải mạnh dạn hơn trong việc áp dụng luật.

Góp ý, xây dựng về Luật phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012 chúng tôi tranh luận ở hai chuyện, thứ nhất là có khả thi hay không và ai là người xử phạt. Thứ hai là giải quyết chuyện hàng nhập lậu bị bắt, chúng tôi đề nghị phương pháp là tịch thu tiêu hủy, nhưng cuối cùng trong luật lại để là Chính Phủ sẽ xử lý.

Tức là hai vấn đề này mới là hai vấn đề được tranh luận chứ không ai tranh luận đến thuốc lá thế hệ mới hay thuốc lá truyền thống. Vì vậy, theo tôi chúng ta có thể nhìn một cách đơn giản, Luật cũng đã có, chúng ta không nhất thiết phải đề nghị Quốc hội sửa lại, nhưng có thể Nghị định, Thông tư chúng ta quy định rõ ràng hơn.

BTV Thu Hà: Thưa bà Phạm Khánh Phong Lan, nếu muốn cấm một sản phẩm cần căn cứ quy định pháp lý. Vậy nếu cấm TLTHM thì cần đòi hỏi phải dựa trên cơ sở pháp lý nào? Quy trình nào? Theo bà giữa việc quản lý và việc cấm, điều nào đang phù hợp với tình hình Việt Nam hiện tại và cơ sở pháp lý hiện tại?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Cơ sở pháp lý nên bổ sung ở góc độ Nghị định, định nghĩa về TLTHM, chỉ cần sử dụng 1 phần nguyên liệu của thuốc lá thì có thể coi là TLTHM như thuốc lá truyền thống. Nên có quy định rõ ràng để cơ quản lý ngành quản lý tốt hơn, và các hoạt động tuyên truyền, phòng chống tác hại TLTHM được triển khai ra cộng đồng.

Về giải pháp đánh thuế cao cũng là một trong những giải pháp giảm người hút thuốc lá. Tuy nhiên, mức thuế cao thì lại tạo cơ hội cho hàng nhập lậu. Đánh thuế cao thì thì giá TLTHM lẫn thuốc lá truyền thống sẽ có giá bán cao thì người tiêu dùng quay sang chọn thuốc lá lậu giá rẻ.

Như vậy, theo tôi cần phải có hành làng pháp lý rõ ràng theo hướng sửa Nghị định quy định cụ thể, rõ ràng về TLTHM. Nhưng không thể chờ có pháp lý quy định rồi thì không đủ mà cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, quản lý xử phạt nghiệm TLTHM nhập lậu.

BTV Thu Hà: Cho đến nay trong quy định pháp luật hiện hành chỉ có khái niệm về thuốc lá hoặc thuốc lá dạng khác và chế tài xử lý các hành vi vi phạm đối với hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm (trong đó có đề cập đến thuốc lá điếu nhập lậu), hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Vậy theo luật sư, nên cần có quy định rõ đối với sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, từ đó có những chế tài, xử phạt đúng và trúng hơn?

LS Nguyễn Văn Hậu: Khi có Luật, Nghị định vào cuộc sống mất nhiều thời gian như câu chuyện xử phạt. Xử phạt thuốc lá đã có nhưng thực tế lại rất khó, như người hút thuốc tại bệnh viện, nếu phát hiện báo UBND phường tới xử phạt thì rất khó.

Do đó, theo tôi, ngoài sửa Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, sửa Nghị định 67 thì cần phải có chế tài xử phạt thật nặng đối với những vi phạm về kinh doanh buôn bán thuốc lá thế hệ mới nhập lậu, vi phạm về quảng cáo thuốc lá…

TLTHM cần được quản lý như mặt hàng thuốc lá truyền thống là ngành kinh doanh có điều kiện, được cấp phép nhập khẩu,xử phạt người hút thuốc lá không đúng nơi quy định thật nặng. Đặc biệt phải có giải pháp để ngăn chặn giới trẻ tiếp cận với TLTHM này.

Vì thế, cần phải sửa Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, sửa đổi Nghị định 67 để quản lý TLTHM, để cơ quan quản lý tốt hơn, tránh thất thu thuế và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Phát biểu kết thúc chương trình, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Đức Hiển nói: Chúng ta vừa nghe toàn bộ các ý kiến đánh giá, góp ý để giải quyết các vấn đề quan trọng mà tọa đàm đặt ra.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM tặng hoa cảm ơn các đại biểu tham gia toạ đàm.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM tặng hoa cảm ơn các đại biểu tham gia toạ đàm.

Toạ đàm có ba vấn đề được bàn luận: Thứ nhất, hiện nay đã đủ điều kiện về pháp lý để kiểm soát TLTHM, trong đó có thuốc lá làm nóng.

Hiện nay TLTHM đã được cấp mã số quốc tế, đã có đầy đủ các tiêu chí về việc quản lý thuốc lá. Với trải nghiệm của một người cũng sử dụng cả thuốc lá truyền thống và TLTHM, tôi nhận thấy TLTHM đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người sử dụng thuốc lá.

Như phân tích, thuốc lá làm nóng được sản xuất với thành phần nicotine, sản phẩm với nguyên liệu từ lá, cây… của cây thuốc lá. Như vậy về tiêu chí hàng hóa thì thuốc lá làm nóng đã đáp ứng, về tiêu chí pháp luật cũng đã đáp ứng, và Chính phủ cũng đã giao các bộ ngành chức năng soạn thảo xem xét thay thế Nghị định 67 để quản lý. Đây là điều kiện pháp lý để quản lý TLTHM nói chung, thuốc lá làm nóng nói riêng.

Thứ hai, từ phân tích của các chuyên gia, việc không quản lý TLTHM sẽ gây ra hậu quả lớn cho xã hội như Nhà nước không thu được thuế, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng cũng thiếu đi pháp lý để tuyên truyền vận động giáo dục, cũng như kiểm định TLTHM. Điều này cũng ảnh hưởng xấu đến trật tự quản lý thị trường, gây bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh, khó khăn khi xử phạt trong xử lý hình sự….

Thứ ba, về sự cấp bách trong quản lý TLTHM, từ nhiều năm trước, Chính phủ đã yêu cầu phải hoàn thiện khung pháp lý để quản lý TLTHM. Cho tới bây giờ, chúng ta vẫn chưa có văn bản pháp lý, gây lúng túng cho các cơ quan như Hải quan, Quản lý thị trường... trong công tác quản lý.

Mặt khác, việc này gây ảnh hưởng đến vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam trong công tác kiểm soát mọi sản phẩm thuốc lá hiện diện trên thị trường.

Chúng tôi xin cám ơn những đóng góp ý kiến quý báu từ quý vị đại biểu đã giúp chúng tôi hoàn thiện buổi tọa đàm hôm nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm